Bao bì Tâm Thành

Những ảnh hưởng của dịch Covid 19 tới các ngành kinh tế

25 tháng 03 2020
Ngô Thanh Hương

COVID-19 có khả năng gây ra những ảnh hưởng không nhỏ về kinh tế, xã hội và con người.Tổ chức Y tế Thế thới (WHO) đã tuyên bố sự bùng phát của dịch COVID-19 là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp trên toàn thế giới. Điều này đã gây ra ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của nhiều người, của các gia đình và cả cộng đồng.

Đợt bùng phát Covid-19 đang tấn công triệt để vào xuất khẩu của Trung Quốc và làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Nền kinh tế thứ hai thế giới gần như đứng yên sau khi chính phủ Trung Quốc kéo dài kỳ nghỉ Tết Nguyên đán để ngăn chặn dịch bệnh chết chóc này.

Dịch bệnh lây lan khiến người tiêu dùng lánh xa các cửa hàng, nhà hàng, hạn chế đi du lịch, các liên kết vận chuyển do đó bị gián đoạn.

Neil Shearing, nhà kinh tế trưởng tại Capital Economics tin rằng sự lây lan của Covid-19 hay chính xác hơn là nỗ lực ngăn chặn nó đang gây ra mối đe dọa ngắn hạn đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Trong khi đó, biên tập viên kinh tế Phillip Inman của Guardian nhận định, do tầm quan trọng to lớn của Trung Quốc đối với nền kinh tế toàn cầu, hậu quả của cuộc khủng hoảng do Covid-19 gây ra có thể sẽ khó khăn và kéo dài.

Khảo sát gần nhất của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) trên 1.200 doanh nghiệp về ảnh hưởng của Covid-19 tới hoạt động kinh doanh cho thấy, nếu Covid-19 kéo dài 6 tháng, 74% doanh nghiệp có thể sẽ phá sản.

Nguyên nhân chủ yếu do doanh thu không thể bù đắp các khoản chi cho hoạt động như trả lương, lãi vay ngân hàng, thuê mặt bằng... Ngoài ra, gần 30% mất 20-50% doanh thu, 60% doanh nghiệp thậm chí giảm hơn một nửa doanh thu.

Những nhóm ngành bị tác động nghiêm trọng và tức thì là hàng không, du lịch (lưu trú, khách sạn, ăn uống), giáo dục, dệt may, da giày, sản xuất đồ gỗ...

Covid-19 còn khiến hoạt động sản xuất có thể trì trệ, thương mại bị hạn chế, nông nghiệp, bán lẻ và dòng vốn đầu tư quốc tế cũng “dính đòn”.

 

Chính phủ ra tay

Trước sự ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ có biện pháp giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ sẽ có một chương trình hỗ trợ doanh nghiệp toàn diện, tổng thể về thuế, phí, bảo hiểm... với những ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề.

Tuy nhiên, theo người đứng đầu Chính phủ sự hỗ trợ phải có chọn lọc, không cào bằng, không dàn đều. Đồng thời chuẩn bị một chương trình toàn diện, kỹ càng phục hồi kinh tế sau khi dịch kết thúc, đặc biệt những ngành nghề thiệt hại nặng cần tập trung hơn, bao gồm cả chương trình kích cầu.

Thống kê của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và đầu tư) cho thấy chỉ trong 2 tháng đầu năm có tới 16.151 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước; 2.807 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.

Covid-19 có thể coi là “cú sốc” với nền kinh tế. Dù Chính phủ đang chuẩn bị các kịch bản theo tình hình dịch Covid-19 để chủ động ứng phó, nhưng theo báo cáo đánh giá ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với kinh tế xã hội Việt Nam, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã giảm mức dự báo GDP từ 6,8% xuống chỉ còn 5,96% nếu dịch bệnh kéo dài đến quý II- mức thấp nhất trong 7 năm gần đây.

 Cập nhật tính hình mới nhất Covid 19(ngày 25/03/2020)....

Viết bình luận của bạn

Tin liên quan